Trong quá trình coach cho nhiều lãnh đạo cấp cao, tôi nhận ra được một thực tế rằng: không phải lãnh đạo nào cũng thoải mái sống đúng với con người mình - được là chính mình. Nhiều người nghĩ rằng khi đã ở vị trí lãnh đạo, họ phải tỏ ra hoàn hảo, họ cần biết tất cả mọi thứ, họ không nên thể hiện cảm xúc thái quá với bất cứ điều gì. Rõ ràng, bản chất vị trí quản lý lãnh đạo đã rất nhiều áp lực, vậy mà nhiều người lại tự tạo thêm áp lực cho bản thân trong nhiều lớp “áo" không phải chính mình.
Cũng trong quá trình coach, tôi quan sát được hành trình thay đổi mạnh mẽ của nhiều lãnh đạo khi lần đầu tiên sau nhiều năm, họ can đảm thể hiện con người chân thực của mình. Tôi được thấy họ ở những phiên bản tự tin hơn, sáng tạo hơn, kết nối mạnh mẽ hơn và quan trọng nhất, họ tìm thấy niềm vui và sự tận hưởng trong vai trò lãnh đạo.
Chính vì vậy, trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ một số quan điểm của mình về chủ đề Authentic Leader – Phong cách lãnh đạo là chính mình, những hiểu nhầm xung quanh khái niệm này và cách để bạn có thể dần lột bỏ những lớp áo không phải chính mình.
Thế nào là một lãnh đạo là chính mình?
Với tôi, một lãnh đạo là chính mình đơn thuần là một người lãnh đạo dám sống đúng với con người thật của mình, họ hiểu rõ trạng thái cảm xúc, suy nghĩ, năng lượng của bản thân để lựa chọn được cách ứng xử phù hợp và đồng nhất với những giá trị cốt lõi họ theo đuổi. Sự thấu hiểu bản thân là nền tảng để lãnh đạo kết nối hiệu quả với những người khác. Khi lãnh đạo dám thể hiện con người thật, dám bộc lộ cả những điều chưa được trọn vẹn và dễ bị tổn thương, họ đang tạo điều kiện để người khác có thể hiểu mình, nâng cao sự kết nối và tạo được sự giao tiếp hiệu quả.
Việc là chính mình ở đây không đồng nghĩa với việc cái gì cũng nói, lúc nào cũng nói và nói với tất cả mọi người. Để là chính mình, lãnh đạo cần có sự vững vàng từ bên trong. Khi bạn hoàn toàn nhận thức được những thứ đang diễn ra bên trong mình, bạn sẽ lựa chọn được cách thể hiện ra bên ngoài một cách trung thực và hiệu quả nhất, vừa giúp cho người khác hiểu về con người bạn, vừa giúp cho hai bên làm việc với nhau hiệu quả hơn. Điều này hoàn toàn khác với việc thể hiện mình một cách ngây thơ bồng bột.
Ví dụ, gần đây có một khoảnh khắc mà cách làm việc của một bạn nhân viên khiến tôi cảm thấy bực bội. Khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận được rõ sự tức giận đang lớn dần lên bên trong mình. Và tôi lựa chọn cách trao đổi với bạn nhân viên rằng: “Chị đang cảm thấy rất bực về chuyện này. Em suy nghĩ thêm rồi mình sẽ trao đổi sau!”. Tôi hiểu được rằng nếu lúc đó tôi ngay lập tức nói vào vấn đề, có khả năng tôi sẽ không kiểm soát được cảm xúc của mình, vừa gây tổn thương cho người khác, vừa không giải quyết được công việc hiệu quả. Cùng lúc, tôi cũng không cố gắng thể hiện rằng bản thân mình vẫn ổn, vẫn vui vẻ trong khi rõ ràng tôi đang cảm thấy không hài lòng và một chút khó chịu. Với việc nói thẳng cảm xúc của mình, bạn nhân viên của tôi sẽ hiểu được rằng bạn đã làm một chuyện gì đó không ổn và tránh lặp lại lần sau, tôi cũng không phải che giấu đi cảm xúc thật của mình.
Khi lãnh đạo có thể sống chân thật là chính mình, họ có thể giải phóng bản thân khỏi rất nhiều ràng buộc. Đó có thể là những cảm xúc mà trước nay họ vẫn giấu kín và nghĩ rằng mình không thể chia sẻ cùng ai. Đó có thể là những lo lắng, căng thẳng, những vấn đề rối rắm mà nếu chia sẻ ra, họ sẽ nhẹ lòng hơn rất nhiều. Đó có thể là kỳ vọng rằng mình cần luôn hoàn hảo, mình không được sai, mình cần biết mọi thứ. Khi bản thân được giải phóng khỏi rất nhiều yếu tố này, người lãnh đạo sẽ cảm thấy tự do hơn, họ trở nên năng động sáng tạo và tự tin hơn rất nhiều.
Điều gì khiến lãnh đạo không dám sống đúng là chính mình?
Có không ít lý do khiến người lãnh đạo tự khoác lên mình nhiều tấm “áo” vừa nặng nề, vừa không vừa vặn. Dưới đây là ba lý do tôi cho là phổ biến nhất.
Lý do thứ nhất đến từ việc họ chưa có sự nhận thức cao về chính mình. Khi bản thân người lãnh đạo không nhận biết được những gì đang diễn ra bên trong mình, họ không thể biểu hiện ra ngoài một cách chân thật và hợp lý, mà thường sẽ bị cuốn vào những mớ cảm xúc, suy nghĩ mà họ chưa thể kiểm soát. Ví dụ, khi một người tức giận và không kịp nhận ra rằng mình đã tức giận, họ sẽ rất dễ nổi nóng, nặng lời và có thể gây tổn thương cho những người xung quanh. Ngược lại, khi có sự nhận thức rõ ràng về bản thân, người lãnh đạo sẽ có sự tự tin vững vàng. Tự tin ở đây không có nghĩa rằng họ hoàn hảo và biết tất cả mọi thứ, tự tin ở đây là việc họ chấp nhận bản thân mình, họ thoải mái thể hiện các khía cạnh khác nhau trong suy nghĩ, cảm xúc và trạng thái bên trong họ. Việc một lãnh đạo có thể sống đúng là chính mình phụ thuộc rất lớn vào việc họ thấu hiểu chính bản thân mình đến đâu.
Lý do thứ hai đến từ quan niệm rằng lãnh đạo phải hoàn hảo, phải là người biết tất cả mọi thứ. Khi mang tư duy này, lãnh đạo sẽ có xu hướng phải gồng mình để thể hiện bản thân, ôm đồm quá nhiều trách nhiệm và không sẵn sàng thừa nhận những khuyết điểm của mình với người khác. Đó là một quan niệm sai lầm. Tại Coach For Life, tôi luôn thẳng thắn chấp nhận rằng tôi sẽ không thể giỏi viết lách như các bạn làm marketing, không thể giỏi bán hàng như bộ phận sales, nhưng tôi biết cách để khiến những người giỏi nhất ấy có thể phối hợp nhịp nhàng với nhau. Một người lãnh đạo giỏi không phải là người giỏi tất cả mọi việc, mà là người biết cách làm cho những người giỏi nhất có thể tụ họp và làm việc hiệu quả với nhau vì một mục tiêu chung. Một người lãnh đạo giỏi không phải là người có câu trả lời cho mọi vấn đề, mà là người biết tận dụng trí tuệ tập thể khi những khó khăn xuất hiện. Khi phá vỡ được quan điểm lãnh đạo phải là người biết tuốt, người lãnh đạo sẽ có thể định vị lại bản thân mình ở một vai trò quan trọng hơn: kết nối đội nhóm, truyền cảm hứng, giúp mỗi nhân sự phát huy tối đa năng lực của mình.
Lý do thứ ba đến từ tư duy rằng “nếu thật quá thì mình sẽ không có lợi”, vì vậy họ cố gắng xây dựng một hình ảnh khác: “tròn trịa” hơn, khéo léo hơn,… tại nơi làm việc. Bạn có thể không tin nhưng khi bạn ‘không thật', mọi người xung quanh bạn có thể cảm nhận được. Bạn đã từng gặp gỡ những người mà ngay khi nói chuyện, bạn đã cảm nhận được là họ không thật lòng, họ không chú tâm vào câu chuyện của mình, họ đặt câu hỏi một cách hời hợt, họ khen một cách bâng quơ,…? Tất cả những điều này thể hiện rằng họ đang không hiện diện trọn vẹn, hoặc họ đang không dám biểu lộ những thứ đang thực sự diễn ra bên trong họ. Hoặc cũng có những người tự đặt ra cho mình rất nhiều rào cản, họ nghĩ rằng chuyện A chuyện B thì không nên nói, họ nghĩ rằng họ nên sự giải quyết một số việc, hoặc họ cố giữ lại một vài điều mà họ cho rằng nếu nói ra thì hình ảnh của họ sẽ bị ảnh hưởng. Tất cả những điều này đều khiến cho người lãnh đạo thiếu đi sự chân thành ấm áp trong giao tiếp, từ đó khiến nhân viên khó có thể tin tưởng và đặt niềm tin vào mình.
Thực hành là chính mình khi làm lãnh đạo!
Bản thân tôi, trong nhiều năm qua, cũng đã có rất nhiều thực hành để luôn được sống thật là chính mình. Thứ nhất, trước khi sống thật trong vai trò là người lãnh đạo, hãy sống thật như một con người trọn vẹn, với những sở trường sở đoản, những yêu thích rõ ràng. Trước đây ở tổ chức cũ, khi tôi mới chỉ là một quản lý cấp trung, cứ mỗi buổi trưa các đồng nghiệp của tôi có một sở thích lại ngồi bàn luận đủ thứ chuyện ở phòng ăn, từ chuyện cấp trên cấp dưới, chuyện mẹ chồng, chuyện người giúp việc,… Trước nay tôi vốn không bao giờ thích tham gia vào những cuộc trò chuyện này, nên tôi chủ động ăn nhanh cùng mọi người sau đó về bàn làm việc của mình để tránh không tham gia vào những câu chuyện gossip đó. Cách ứng xử này có thể khiến tôi đôi lúc bị tách ra khỏi số đông, nhưng tôi lựa chọn chân thật với những điều mình tin tưởng là đúng, không cần phải đi theo cách ứng xử của số đông.
Điều thứ hai và cũng là một bài học quan trọng mà tôi rút ra cho bản thân mình, đó là khi nào sai thì hãy chủ động xin lỗi, càng sớm càng tốt. Tôi áp dụng điều này trong mọi môi trường và đối tượng: với nhân viên, với chồng, với con. Ai cũng có lúc đúng lúc sai, không ai là luôn hoàn hảo. Và nếu như có lỡ sai, thì bạn luôn có thể xin lỗi và nhận lỗi. Điều này không hề khiến bạn trở nên kém cỏi hay mất quyền uy trong mắt nhân viên của mình, thay vào đó họ sẽ học được từ cách hành xử của bạn.
Điều thứ ba là tôi sẽ luôn lựa chọn nói thẳng. Tôi rất thích nói cho người khác biết những điểm mà họ đã làm tốt. Tôi thấy vui khi được khen người khác, và tôi tin rằng họ cũng cảm thấy vui khi được người khác ghi nhận một cách chân thành. Thế nhưng ở chiều ngược lại, nếu như họ đang làm việc gì đó chưa tốt, tôi cũng không né tránh trong việc góp ý phản hồi. Thay vì nói lòng vòng, tôi lựa chọn việc chia sẻ thẳng thắn rằng họ đã làm được những gì, chưa làm được những gì và có thể làm khác đi như thế nào. Tôi nhận thức được rằng khi nói ra điều này, tôi có thể sẽ không phải là người dễ thương nhất, nhưng tôi chấp nhận điều đó. Miễn rằng đằng sau phản hồi của mình là những ý định tốt đẹp, với mong muốn giúp họ và đội nhóm phát triển tốt hơn, xây dựng một môi trường kỷ luật lành mạnh cho tổ chức,…tôi sẽ thẳng thắn chia sẻ với ngôn ngữ khách quan, cởi mở.
Trong quá trình coach cho các lãnh đạo, tôi thường hình dung mình như đang cầm một tấm gương để coachee của mình có thể nhìn vào đó và nhìn thấy bản thân mình rõ ràng. Với các lãnh đạo cấp cao, họ có những trăn trở, những tâm sự mà không thể chia sẻ cùng ai ngoài người coach. Và khi được nói ra, họ cảm thấy nhẹ lòng, vấn đề dần được gỡ rối và họ sẵn sàng cho những sự thử nghiệm mới. Ví dụ, tôi coach cho một lãnh đạo, bạn luôn quá nhẹ nhàng với nhân viên, không dám thể hiện những cảm xúc thật bên trong mình. Khi phát hiện ra điều này và nhìn nhận được ảnh hưởng của nó, bạn bắt đầu thử nghiệm bằng việc mạnh mẽ dứt khoát thể hiện cảm xúc, suy nghĩ và hành động của mình. Chỉ riêng điều này đã tạo ra rất nhiều ảnh hưởng tích cực đến đội nhóm của bạn. Hoặc, tôi cũng có một chị coachee là giám đốc cao cấp của một tập đoàn. Chị thường trực cảm xúc áp lực vì cảm thấy mình không thể chia sẻ những khó khăn mà tổ chức đang gặp với nhân viên. Trong quá trình coach, chị được khuyến khích để thử nghiệm một lần chia sẻ vấn đề khó khăn cùng nhân viên. Ngay sau đó, chị quan sát thấy các bạn nhân viên thể hiện rõ sự cảm thông chia sẻ, và nỗ lực làm việc hơn rất nhiều để tổ chức cùng vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
Nói như vậy để thấy rằng, mỗi người sẽ có những thử nghiệm, những cách thực hành khác nhau để quay về sống thật với chính bản thân mình. Trong mỗi tình huống thử thách, hãy cho phép mình được chậm lại, hít thở sâu và lựa chọn cách ứng xử chân thật nhất với những điều đang diễn ra bên trong mình.
Tạm kết
Tôi luôn tin rằng, việc sống đúng là chính mình sẽ tạo ra sự kết nối mạnh mẽ với người khác, nó có sức mạnh giải phóng, tạo ra sự gắn kết và cảm thông. Mỗi chúng ta đến với cuộc đời này đều đã là một phiên bản độc đáo nhất, sống động nhất, tràn ngập những điều tốt đẹp nhất. Bạn chỉ cần là chính mình để truyền cảm hứng và kết nối với người khác. Bạn không cần phải cố làm việc gì đó, cố trở thành một ai đó khác đi. Vì vậy, ngày hôm nay, hãy thử quay lại và kết nối với mọi mảnh ghép bên trong mình, kể cả những điều không hoàn hảo. Biết đâu đó, bạn sẽ học được cách yêu cả những “vết nứt vàng” và một lần nữa, bạn lại được sống chân thật là chính mình.
Comments